Sự kinh hoàng của cuộc thế chiến nằm trong những cái bắt tay bẩn thỉu

60,000đ
Còn hàng

GIỚI THIỆU SÁCH

Sự kinh hoàng của cuộc thế chiến nằm trong những cái bắt tay bẩn thỉu

Những sự kiện khủng khiếp của lịch sử đôi khi bắt đầu từ những vụn vặt, ngẫu nhiên, trong đó tội ác kinh hoàng mà nhân loại gánh chịu có thể xuất phát từ lợi ích của vài cá thể.

Văn chương có những bộ sách đồ sộ, nơi phân tích mọi lớp lang, soi vào từng “tế bào” nội tâm nhân vật. Nhưng cũng có những tác phẩm súc tích, ngắn gọn mà hàm chứa trong đó cả một câu chuyện lớn của nhân loại. Chương trình nghị sự – tiểu thuyết được giải thưởng Goncourt 2017 – của nhà văn Éric Vuillard là một tác phẩm như thế.

Chiến tranh mang lại “máu” cho các tập đoàn tư bản

Khi tiếp nhận bản thảo cuốn sách để chuẩn bị cho chương trình tọa đàm giới thiệu tác phẩm, nhà phê bình Mai Anh Tuấn đã thắc mắc, không biết vì sao giải Goncourt ngày nay lại trao một cách dễ dãi như vậy, vì tác phẩm này chỉ có 160 trang khổ nhỏ.

Nhưng đọc xong, nhà phê bình hoàn toàn bị thuyết phục. Anh nói: “Tôi khâm phục nhà văn Éric Vuillard, bằng sự kiệm lời, tinh tế, dồn nén tư liệu đã đem đến cho ta rất nhiều suy nghĩ, đặc biệt là cách chúng ta nghĩ về lịch sử, chiến tranh”. Nhà phê bình đã phân tích những khía cạnh thuyết phục của tác phẩm.

Tất cả mọi cuộc chiến tranh đều có sự khởi đầu, những khoảnh khắc làm nên bước ngoặt. Nguyên nhân dẫn đến thế chiến thứ hai, sử sách viết quá nhiều rồi, nhưng Éric Vuillard đã chọn một khoảnh khắc để lột tả bản chất chiến tranh.Chương trình nghị sự là một tiểu thuyết lịch sử với các dữ kiện về chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng tác phẩm được viết ra không nhằm tái hiện lại cuộc chiến, mà cung cấp cái nhìn về cuộc chiến, rộng hơn là cái nhìn về chiến tranh, về lịch sử.

Ông bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa 24 chủ tập đoàn lớn, có sức ảnh hưởng toàn cầu. Sự gặp gỡ hôm 20/2/1933 tại dinh Chủ tịch Nghị viện Đức là cái bắt tay, là “cõi niết bàn” giữa cỗ máy tư bản với tập đoàn phát xít Đức. Chính thời khắc đó, bóng ma chiến tranh ập xuống châu Âu.

Khoảnh khắc ấy đáng để cho chúng ta nghĩ ngợi. Viết về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Éric Vuillard không bàn tới các sự kiện lớn, mà chỉ lách vào một cuộc gặp nhỏ.

Ở đây Éric Vuillard có lý nhờ tư liệu chính xác của ông. Các tập đoàn kinh tế này hưởng lợi như nào nhờ sự bành trướng của Đức quốc xã? Cuối sách đưa ra: các tập đoàn này có lượng lớn công nhân rẻ mạt từ các trại tập trung của Đức quốc xã. Đó là những người Do Thái dồn vào các trại tập trung. Bàn tay chiến tranh mang lại máu cho các tập đoàn sống. Đó là sự tởm lợm của cái gọi là “sự phát triển các tập đoàn tư bản” khi bắt tay với chiến tranh.

TRONG SỰ PHÁT TRIỂN TƯỞNG MƯỢT MÀ, ĐẸP ĐẼ CỦA CÁC TẬP ĐOÀN, HỌ CÓ NHỮNG Ê-KÍP, THƯƠNG VỤ TỘI LỖI, BÀN TAY NHUỐM MÁU GHÊ TỞM.

Cuốn sách còn nói về cuộc gặp tạo nên sự sáp nhập của Đức Quốc xã với Áo. Nhiều tư liệu ghi lại Thủ tướng Áo lúc đó nỗ lực để nước mình thoát chiến tranh. Nhưng tư liệu của Éric cho thấy nước Áo lúc ấy bắt tay, thỏa hiệp Đức quốc xã, để Áo trở thành một cỗ máy chiến tranh. Chính cái bắt tay này dẫn tới sự bành trướng của Đức quốc xã, phủ bóng chiến tranh khắp châu Âu.

Khi Đức quốc xã diễu binh ở Áo, nhiều người đã phản đối, trong đó có 4 người có tên tuổi. Lý do họ phản đối vì họ nhìn thấy xác những người Do thái bị kéo lê trên đường phố.

“Càng đọc tiểu thuyết, tôi nể phục cách tác giả dựng lại lịch sử từ những chi tiết nhỏ, tưởng chẳng thể tác động gì tới cục diện lớn, từ đó cho thấy bộ mặt của chiến tranh”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nói.

Từ trái qua: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Thanh Nguyệt, TS Mai Anh Tuấn trong buổi tọa đàm về tác phẩm Chương trình nghị sự.

Vì thế Chương trình nghị sự không hẳn là tiểu thuyết hư cấu hoàn toàn, mà là một sự sắp xếp tư liệu. Nhà phê bình Mai Anh Tuấn gọi đó là tác phẩm bán hư cấu. Tiểu thuyết tuy không nhiều lớp lang, nhưng lại có sức nặng trong chi tiết, tình huống. Đó là độ lùi cần thiết giúp độc giả dừng lại, như một người quan sát, một chứng nhân sự kiện.Éric Vuillard còn là một nhà làm phim, ông sử dụng năng lực của một nhà làm phim khi viết tiểu thuyết nay. Ông có cách chủ động, thao túng tư liệu trong việc tự do nhưng nghiêm cẩn, xâu chuỗi sắp xếp tư liệu, đưa ra lời bình, khiến tư liệu trở nên thuyết phục.

Không ai đứng ngoài tội ác chiến tranh

Cao hơn việc lý giải thế chiến 2 diễn ra như thế nào, Chương trình nghị sự còn cho thấy một cách nhìn về lịch sử, về chiến tranh. Đọc xong tác phẩm, ta thấy ai được phép cho rằng mình là người đứng ngoài tội ác chiến tranh?

Sau thế chiến thứ hai, các nhà văn Đức thường băn khoăn, đất nước họ là quê hương của âm nhạc, nghệ thuật, yêu chuộng hòa bình, tại sao dân tộc họ lại khởi sinh ra phát xít? Cuốn sách này khẳng định, mỗi chúng ta đừng vội cho rằng bàn tay mình sạch sẽ. Những bàn tay nhuốm máu nằm trong vỏ bọc có thể lòi ra bất cứ lúc nào.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, rất nhiều chính trị gia, tập đoàn sản xuất đều có thể là nguyên nhân, tham gia cuộc chiến. ít hay nhiều, họ là tội phạm chiến tranh.

Tác phẩm là sự phản biện, tố cáo mạnh mẽ: Trong một thảm họa, kể cả họa diệt chủng, sự sạch sẽ là rất ít. Những thứ bên ngoài tưởng chừng đẹp đẽ, lại ẩn bên trong những điều bẩn thỉu. Kể cả với những người thờ ơ, tưởng vô can nhưng cũng là một cách tiếp tay cho tội phạm tạo nên cuộc thảm sát tiếp theo.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyệt – giáo viên ngữ văn trường THPT Chu Văn An – cho rằng cuốn sách là sự diễu nhại lịch sử. Tác giả Éric Vuillard đưa vào những sự kiện chi tiết, tỉ mỉ, vốn không phải sự kiện lớn, trung tâm trong thế chiến thứ hai.

Ông quan sát những người thân cận của Hitler, những người tưởng chừng chẳng can dự gì với cuộc thảm sát người Do Thái. Nhưng những sự tình cờ ấy lại tạo ra bước ngoặt lịch sử.

Bên cạnh cuộc gặp gỡ với 24 nhà tư sản, cuốn sách có khá nhiều cuộc gặp gỡ. Trong dó, phải kể đến bữa tối ở London do Thủ tướng Anh Chamberlain mời.

Tại đó, Joachim von Ribbentrop – người vừa trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Quốc xã – đã lợi dụng tính lịch sự của chủ nhà để trì hoãn câu trả lời của nước Anh trước sự kiện Anschluss. Bằng cách nói về rượu và những thứ vô thưởng vô phạt, Joachim khiến thủ tướng Anh không thể nghe cuộc điện khẩn mà nắm thông tin kịp thời.

Cuốn sách mang một màu sắc hậu trường chính trị. Ta vẫn nhìn vào Hitler như một người ảnh hưởng tới toàn châu Âu trong một giai đoạn. Trong cuốn sách này, ta thấy hóa ra con người đã bị định danh là kẻ độc tài cũng có những giây phút bất lực với những điều tưởng ngẫu nhiên của cuộc đời.

Éric Vuillard – tác giả của Chương trình nghị sự. Ảnh: Star Tribune

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, cuốn sách này không nhằm tái hiện lịch sử. Tác giả muốn nói rằng lịch sử đã được nhào nặn, được chuẩn bị. Chúng ta vừa là nạn nhân, chứng nhân lịch sử, nhưng cũng là tội nhân của lịch sử, ở mức này hay mức khác.Dưới cái nhìn của Éric, lịch sử hóa ra thật đáng cười. Những con người thời đó hóa ra đang diễn. Tất cả đều được gọt cắt, để tạo nên một bộ phim. Ở đó, cái thô kệch, bi thảm đan xen tạo nên quá trình đi xuống của châu Âu. Mỉa mai ở chỗ, những thứ to tát đôi khi là kết quả của những sự việc ngẫu nhiên, vụn vặt. Và “vẻ dính dáp của những mưu mẹo và những trò bịp bợm vốn tạo nên lịch sử”.

Các tác phẩm về thế chiến thứ hai xuất bản ở Việt Nam khá nhiều: Còn chị còn em, Người đọc, Cây vĩ cầm Ave Maria… Đọc những cuốn ấy, ta có thể thấy nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến như nào. Ta thấy được phản ứng của những người trải qua tột cùng đau đớn của lò thiêu.

Chương trình nghị sự không mô tả một trại tập trung, không mô tả phát súng, những biện pháp giết người hàng loạt của Đức quốc xã. Nhưng đọc cuốn này ta thấy cái ác, tội lỗi đến từ những cái bắt tay, ký kết, những thương thảo. Đó là những thứ khủng khiếp, khiến ta ghê sợ.

Chính lựa chọn dựng lại lịch sử nghiêm cẩn trong từng câu chuyện, tình huống khiến ta thấy đây là tác phẩm chặt chẽ. Tác phẩm chừa ra những khoảng để người đọc đủ hình dung, tưởng tượng.

Những tiểu thuyết viết về sự kiện, nhân vât lịch sử không nhất thiết lúc nào cũng hàm chứa sự thật. Tùy tác giả sử dụng chi tiết đó vào mục đích nào. Ở đây lịch sử chỉ là cớ, tư liệu để nhà văn sử dụng nó cho mục đích thể hiện: chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu từ đâu, do ai, ai chịu trách nhiệm… Điều đó làm nên tư cách lớn của tiểu thuyết này.

Nguồn: copy

Cuộn
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn