[Review Sách] Bộ Sách “Yêu Hà Nội”: Phố Cũ Chuyện Xưa Và Những Điều Chưa Bao Giờ Kể

50,000đ
Còn hàng

GIỚI THIỆU SÁCH

Hôm nay thênh thang bước giữa Thủ Đô hoa lệ, bạn có bao giờ tò mò về hình hài Hà Nội của dăm chục năm trước, cái thời tem phiếu, bao cấp và sơ tán đầy khó khăn nhưng lấp lánh tình người? Một Hà Nội cũ lầm than cơ cực xen lẫn sự hân hoan xây dựng cuộc sống mới đã được nhiều cây bút có tầm tái hiện, nhưng có lẽ chân thực và đầy yêu thương nhất phải kể bộ sách “Yêu Hà Nội” với 4 tác phẩm nổi bật gồm: Hà Nội, mũ rơm Và tem phiếu, Kim Liên một thuở, Hà Nội, quán xá phố phường và Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn.

Ký ức về “36 phố phường” xưa cũ ấy lúc thì được kể bằng chất giọng bình tĩnh, vừa trào phúng, vừa ẩn chứa nỗi đau buồn, tiếc nuối cho năm tháng và phận người, lúc lại được nâng niu bằng góc nhìn của người tỉnh lẻ hay của một “tâm hồn đô thị”. Để rồi, mọi ngóc ngách Hà Nội ở cả kiến trúc, đời sống và văn hóa đều hiện lên rất thực, rất đời, làm cho người ta cười mà cũng có thể bật khóc ngay tức khắc. Muốn hiểu về Hà Nội, phải nghe kể chuyện cũ. Và bộ sách này chính là người kể chuyện chân thật nhất.

1. Hà Nội , mũ rơm và tem phiếu – Tác giả Trung Sỹ

Hà Nội có tàu điện

Đi về cứ leng keng

Người xuống và người lên

Người nào trông cũng đẹp

Leng keng leng keng… Khuya sớm đi về một âm sắc thanh giòn, như nhắc với con phố dài ngói nâu ngái ngủ trong những sớm sương bay, rằng cuộc đời vẫn đang chảy trôi. Có thể nói tiếng chuông tàu điện chính là tín hiệu sinh động nhất cho nhịp sống uể oải nơi đất cũ kinh kỳ.

Leng keng leng keng… Tiếng leng keng mà các thi sĩ, nhạc sĩ luôn tha thiết nhớ nhung ấy, phát ra từ bàn chân của anh lái tàu. Hôm nào phấn khởi mới lĩnh lương hay bữa trước vợ chiều đĩa lòng non có thêm tí tửu, anh sẽ giậm chân thật lực vào chiếc núm đồng có lò xo đàn hồi trên sàn tàu. Tiếng leng keng sẽ rộn rã phát ra từ chiếc chuông dưới gầm, tỉ lệ thuận với mức độ hưng phấn cùng dự trữ năng lượng của người cầm lái vĩ đại.

Có sinh ra ở Hà Nội hay không? Có từng trải qua thời kỳ tem phiếu, mũ rơm, cửa hàng mậu dịch và tàu điện leng keng hay không, thì tập hồi ký này của tác giả Trung Sỹ chắc chắn sẽ khiến độc giả bị cuốn vào từng trang sách, rồi bật cười vỗ đùi thích chí. Một Hà Nội ngỡ đã cũ mà dẫu được kể bao nhiêu lần đi chăng nữa vẫn không hết chuyện, vẫn khiến người ta muốn nghe, muốn đọc về nó. Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là những kỉ niệm về Thủ Đô thời một-nghìn-chín-trăm-hồi ấy qua con mắt của một cậu bé, bằng giọng kể vừa văn vẻ, mà cũng pha chút “tưng tửng”, lại một ít châm biếm đầy khéo léo và duyên dáng.

Những ký ức, kỷ niệm về một thời Hà Nội chưa xa nhưng đã bị coi là cũ. Giọng văn chân chất, thật thà gợi đến những rung cảm trong lòng người đọc về một quãng thời gian trong quá khứ. Những câu chuyện ký ức về sự vật về con người thế hệ những năm về trước gợi nhớ về những câu chuyện rất đỗi thân thuộc nhưng đã bị bào mòn bởi thời gian và sự phát triển của xã hội. Bằng giọng kể hóm hỉnh, pha chút trào phúng, người viết đã vẽ lại cả một bối cảnh Hà Nội xưa cũ thân quen…

Phía cuối hàng lổng chổng mấy nửa hòn gạch hay chiếc rá sứt cạp, xếp sẵn để đại diện cho một người mua hàng nào đó đang tranh thủ mua rau quầy bên cạnh. Thỉnh thoảng không thấy ai để ý, thằng bé con lại đá nửa viên gạch hay cái rá thủng mập mờ vô thừa nhận trước mặt mình bắn ra khỏi hàng, trong sự đồng tình của những người xếp phía sau lưng. Những kẻ chạy show quay về quầy cá, thấy mất “văn phòng đại diện” tức tối hằm hè, bất lực chửi đổng.

Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu là cuốn sách dành cho những Những tâm hồn hoài cổ như bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời; dành cho những con người đã trót yêu, và sẽ yêu mảnh đất Kỷ niệm ken dày cô đọng xếp chật ký ức, tăm tắp dàn trải đều trên bước thời gian, như những viên gạch lát vỉa hè hàng phố.

2. Kim Liên Một Thuở – Tác giả Vũ Công Chiến

Kim Liên một thuở là ký ức về Hà Nội qua góc nhìn của cư dân đầu tiên ở khu tập thể Kim Liên vừa được xuất bản. Cuốn sách là cuốn hồi ức của tác giả Vũ Công Chiến kể về những năm tháng gia đình ông sinh sống, gắn bó với Kim Liên từ khi ông mới chuyển đến đây (cư dân đầu tiên của Kim Liên) với đầy những bỡ ngỡ đến khi từng nếp sống tại đây đã trở nên thân thuộc như ăn vào máu thịt của ông.

Trên từng trang viết, hình ảnh Kim Liên xưa hiện ra quyến rũ lạ thường. Ở đó không hề có tiếng xe cộ ồn ào, không có khói bụi của ô tô, xe máy mà chỉ còn tiếng cười giòn tan của những lũ trẻ chơi bắt rắn dọa nhau hay chơi trận giả, trốn tìm. Nhịp sống vội vã, riêng biệt như hiện nay thay bằng nhịp sống chậm hơn, đậm chất tình người hơn, cư dân Kim Liên dùng chung với nhau từng cái bếp, cho nhau từng quả chanh rồi chung nhau cả cái nhà vệ sinh. Thiếu thốn là vậy, dùng chung là vậy nhưng chẳng hề xảy ra cãi cọ hay tranh giành gì cả.

Vẫn là kết cấu theo dòng thời gian quen thuộc, tác giả vẽ ra những bước chuyển mình mạnh mẽ của Kim Liên, từ một Kim Liên lưa thưa bóng người còn nghèo đói của những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng Xã hội chủ nghĩa, Kim Liên của những năm sơ tán với đầy rẫy nhưng hầm hố trú ẩn, Kim Liên của những năm bao cấp với cảnh hàng dài người xếp hàng để mua được một chút gạo, chút mắm, chút muối; sau nhiều năm, nó đã chuyển mình đầy mạnh mẽ thành một Kim Liên đông đúc với cơ sở vật chất hiện đại như ngày hôm nay.

Hòa với nhịp sống hiện đại, rồi sẽ có một ngày chúng ta chẳng thể nhìn được hình dáng cổ xưa của Kim Liên nữa. Với ý nghĩ đó đã thôi thúc tác giả hoàn thành cuốn sách này với mong muốn…

Trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kì của khu Kim Liên, nếu còn có lúc hoài niệm về quá khứ. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc của Hà Nội, muốn biết được thế hệ trước đã sống như thế nào, và những người quan tâm đến lịch sử dưới góc độ trải nghiệm cá nhân.

Cùng với sự phát triển của xã hội, rất nhiều cư dân tại Kim Liên đã chuyển đi, sinh sống tại những tòa nhà hiện đại sang trọng hơn, duy chỉ có gia đình tác giả là vẫn “say đắm” cái nếp sống tập thể ấy. Gần 60 năm là quãng thời gian tác giả và gia đình đã gắn bó, sinh sống tại khu tập thể. Dường như Kim Liên đã trở thành một phần không thể thiếu trong kí ức của ông và gia đình, nó đã cùng với ông lớn lên, trưởng thành và già đi theo năm tháng. Và khi mọi thứ đã trở thành thói quen, nếp sống thì việc rời bỏ là không thể nào.

Kim Liên một thuở chẳng hề gai góc như Hồi ức lính mà tác giả Vũ Công Chiến từng rất thành công, nó chọn cho mình cách hành văn nhẹ nhàng, ẩn chứa trong đó là cả tâm tình mà tác giả dành cho nơi mà mình đã từng gắn bó, nơi mà ông đã sống suốt nửa đời người, nơi giúp ông giữ vững tay súng suốt sáu năm ông đi lính. Từng thước ảnh của Kim Liên hiện lên đầy chân thực gần gũi qua ngòi bút của ông.

Đậm chất người lính viết văn, trong Kim Liên một thuở chúng ta còn thấy được ý chí chiến đấu của cả một Kim Liên anh hùng khi mà hàng loạt thanh niên ở đây đều xung phong đi lính, xung phong đi đánh giặc; chúng ta thấy Kim Liên oai nghiêm sau những trận bom rền rĩ của kẻ thù, chúng ta thấy được sự quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam. Để rồi sau những năm tháng nhọc nhằn ấy, Kim Liên phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

3. Hà Nội, Quán Xá Phố Phường – Tác giả Uông Triều

Tôi cứ tự hỏi thứ gì làm nên vẻ riêng biệt của Hà Nội. Hà Nội là đô thị lớn nhưng có một vẻ thanh lịch nhẹ nhàng, một chút mộng mơ lãng mạn. Phần lớn điều ấy là do cây xanh mang lại. Và Hồ Gươm, điều gì đã khiến cho cái hồ này thơ mộng quyến rũ. Vì lịch sử nghìn năm, vì câu chuyện rùa vàng? Tất nhiên rồi. Và một điều quan trọng ít ai để ý, đó là vì một quần thể cây xanh đa dạng, phong phú làm cho mặt hồ thêm thanh bình, đáng nhớ.

Hà Nội quán xá phố phường của nhà văn Uông Triều là tập tản văn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Bằng tình yêu dành cho Hà Nội, Uông Triều đã khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi.

Từng bước, từng bước, anh dẫn dắt người ta đi qua phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang,… đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò,…

Không diêm dúa, đẽo gọt, bằng chia sẻ chân thành và giản dị, Uông Triều kể câu chuyện về những điều nhỏ bé nhưng được gắn kết với nhau đã tạo nên một Hà Nội sâu lắng và thơ mộng. Người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng và không xa là “hàng đậu phụ mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình”;…

4. Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn – Tác giả Hồng Phúc

Đã bao giờ bạn dừng chân ở Hà Nội? Bạn có khi nào dừng lại trước Sài Gòn? Và có bao giờ bạn tự hỏi đời ta làm sao đi qua hết những ngõ ngách, hẻm mẹ, hẻm con, … nơi ẩn giấu tâm hồn sâu kín của một đô thị lớn? Một thành phố thực ra chẳng khác con người là mấy. Việc ta muốn tìm hiểu đối phương là điều bất khả. Nhưng may mắn thay, vì là con người nên ta có thể yêu quý một-thành-phố-không-bao-giờ-hiểu-cạn bằng tình yêu thương không toan tính và âu lo.

Đó là cách tác giả Hồng Phúc của cuốn Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn tiếp cận với cuộc sống khi dành tình cảm đặc biệt với hai thành phố lớn. Nhớ nhung, yêu thương Hà Nội dồn vào những trang sách… nhưng cuộc sống và con người Sài Gòn cũng nhanh chóng thuyết phục và chiếm được tình cảm của Hồng Phúc – một nữ nhà báo sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng lại chọn Sài Gòn để lập nghiệp. Đọc Yêu Hà Nội, thích Sài Gòn của một “người Hà Nội di cư” để thấy một tâm hồn lãng mạn và sâu sắc, nhạy cảm và trí tuệ;  để thấy “nơi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên), để vén những “bức màn văn hóa” (lời của tác giả) nơi mình đã đi qua, nơi mình đã sống và đã chọn dừng chân.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Lời Kết:

Cho Hà Nội xưa vẫn mãi mãi xanh

Để ta viết câu thơ, mong manh Hà Nội phố

Cho người đi xa, mang trong lòng nỗi nhớ

Hà Nội tự hào, Hà Nội thân yêu

Trong những ngày này, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang căng mình chống lại đại dịch, bỗng thấy đâu đó bóng dáng một Hà Nội cũ hiện về, cũng căng thẳng và cần sự đồng lòng nhất tâm của người dân như bây giờ. Ấy là Hà Nội của thập niên 60-70 cơ cực trước từng trận bắn phá của địch, những ngày đi sơ tán gian khổ, rồi hân hoan trở về xây dựng cuộc sống mới. Ấy còn là Hà Nội của tem phiếu, của khu chung cư cũ nương nhau từng xô nước, của nét văn hóa hàng rong, áo dài cổ….

Tất cả những đặc trưng khó trộn lẫn ấy đã được gói ghém trong bộ sách “Yêu Hà Nội” gồm 4 tác phẩm đắt giá: Hà Nội, Mũ Rơm Và Tem Phiếu, Kim Liên Một Thuở, Hà Nội, Quán Xá Phố Phường và Yêu Hà Nội, Thích Sài Gòn. Hà Nội 36 phố phường của năm tháng cũ lấm lem sự gian khổ, lầm than nhưng lại lấp lánh vẻ đẹp tình người. Tranh thủ những ngày “chống dịch” để sống chậm lại một chút để yêu Hà Nội xưa, thương Hà Nội nay.

 

Nguồn: copy

Cuộn
BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn