Tác giả của bộ sách là Noel Janis-Norton – nhà sáng lập – giám đốc một trung tâm làm cha mẹ tại London, chuyên mở những khoá học và tư vấn cho các vị phụ huynh có con ở lứa tuổi từ chập chững đến dậy thì.
Bộ sách bao gồm 4 cuốn: Bình tĩnh rèn con – Chiến lược làm cha mẹ (Phan Thị Thắng dịch); Bình tĩnh ren con – Chiến lược giúp trẻ tự học hành (Lê Thu Ngọc dịch); Bình tĩnh rèn con – Chiến lược giúp trẻ hạn chế thời gian dùng thiết bị điện tử (Nguyễn Thu Giang dịch); Bình tĩnh rèn con – Chiến lược nuôi dạy con trai (Thủy Hoàng – Lê Thu Ngọc dịch).
Bộ sách Bình tĩnh rèn con. Nguồn: NXB Phụ nữ
Đồng thời tác giả hướng dẫn các kỹ năng, phương pháp để các bậc phụ huynh phát huy tối đa tố chất của con mình như: Hợp tác, tự tin, có mục đích sống, tự chủ, biết cư xử…Thông qua bộ sách Noel Janis-Norton muốn chia sẻ và giảm thiểu những căng thẳng, áp lực, hay những thách thức nuôi dạy con mà cha mẹ thời hiện đại đang phải đối mặt.
Trong bộ sách, chiến thuật “kỷ luật mềm không nước mắt” được Noel Janis-Norton áp dụng như là một mẫu số chung cho tất cả việc làm cha mẹ, giúp trẻ tự học hành, giúp trẻ hạn chế thời gian dùng thiết bị điện tử và nuôi dạy con trai.
Chiến thuật này gồm: Khen ngợi, mô tả cụ thể; lắng nghe thấu đáo; chuẩn bị cho thành công, suy nghĩ thấu đáo, không bao giờ yêu cầu lần thứ hai, kiên trì và nhất quán.
Chiến thuật “kỷ luật mềm không nước mắt” có thể thay đổi cả những khía cạnh gây nản lòng nhất của việc làm cha mẹ, cải thiện vấn đề hành vi của “những thiên thần nổi loạn”.
Chiến thuật này giúp trẻ hợp tác với bố mẹ trong mọi phương diện: Từ ăn uống, việc nhà, thời lượng trước màn hình công nghệ, điện tử, học hành, mối quan hệ giữa các anh chị em ruột…
Chiến thuật này cũng phát huy tối đa tiềm năng học tập của con trẻ, giúp việc học đối với trẻ không còn là áp lực nữa mà hết sức nhẹ nhàng, thoải mái;
Bên cạnh việc áp chiến thuật “kỷ luật mềm không nước mắt” như một mẫu số chung, trong từng việc cụ thể, tác giả lại chỉ ra những cách khác nhau để việc làm cha làm mẹ trở nên “Bình tĩnh hơn, Thư thái hơn, Hạnh phúc hơn”.
Trong cuốn Bình tĩnh rèn con – Chiến lược làm cha mẹ, tác giả chia sẻ những chiến lược cốt lõi, giúp các bậc làm cha mẹ nhận diện rõ điều khiến việc làm cha mẹ thời nay trở nên căng thẳng. Đồng thời đưa ra những giải pháp có thể áp dụng để giải quyết các vấn đề đó.
Cuốn Bình tĩnh rèn con – Chiến lược giúp trẻ tự học hành, tác giả tập trung làm rõ mối quan hệ tương hỗ giữa gia đình và nhà trường, cũng như vai trò của từng đối tượng là cha mẹ, học sinh và giáo viên trong hoạt động giáo dục.
Đồng thời sách chỉ ra nguyên do, ý nghĩa cũng như vai trò của cha mẹ tại sao cần phải đảm trách, sát sao với việc học của con em mình, các giải pháp để cải thiện lối sống và thói quen đối với việc học.
Cuốn Bình tĩnh rèn con – Chiến lược giúp trẻ hạn chế thời gian dùng thiết bị điện tử nêu ra bốn vấn đề, cũng như tác động tiêu cực của việc sử dụng thiết bị điện tử, nguyên nhân tại sao thiết bị điện tử lại gây nghiện đến như vậy với trẻ tuổi teen và tuổi tiền dậy thì, thậm chí cả trẻ nhỏ.
Đồng thời, sách vạch ra một chiến lược giúp các bậc cha mẹ cần trở lại nắm quyền kiểm soát thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ trong gia đình.
Cuốn Bình tĩnh rèn con – Chiến lược nuôi dạy con trai, tác giả nêu ra những sự khác biệt của các cậu bé cả về mặt sinh lý học lẫn cách nuôi dưỡng, và các bố mẹ muốn cuộc sống với cậu con trai của mình khác biệt ra sau. Từ đó đưa ra những chiến lược với các bước hướng dẫn cụ thể, hiệu quả.