Giữa dòng đời xô bồ và chật hẹp này, đâu phải ai cũng có cái may mắn được sinh ra trong một gia đình đủ đầy, mấy ai có thể tự tìm cho bản thân một tình yêu để gửi gắm cả đời. Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, tâm tư mỗi người mỗi khác vui có, buồn có, lúc tâm hồn thăng hoa xốn xang, lúc lại chìm vào bi đát tột cùng. Đôi khi mệt mỏi quá, cần lắm một khoảng lặng để buông bỏ mọi thứ lại phía sau, những giây phút tĩnh tại đó mới quý giá biết nhường nào, chúng cho phép ta sống chậm hơn và nhìn nhận lại mọi điều đã qua. Đến với cuốn sách Thương Được Cứ Thương Đi của tác giả Hồng Hải bạn sẽ bị mê hoặc bởi những câu chuyện dung dị trong đó. Tác phẩm là tuyển tập những truyện ngắn có thật được ghi lại từ chính trải nghiệm của tác giả, chúng như nốt nhạc trầm trong một bản nhạc đầy sôi động, tuy nhẹ nhàng nhưng khiến ta đắm say trong từng câu chữ. Sống động, chân thực và giàu cảm xúc là những lời bình tôi dành cho cuốn sách này, chắc hẳn đây sẽ là một món quà tinh thần vô giá sưởi ấm tâm hồn của chính chúng ta, nhất là với những ai đang cô đơn và cảm thấy lạc lõng giữa chốn phồn hoa đô thị.
Tiểu thuyết hay phim đều được xây dựng từ chất liệu đời mà đời vốn dĩ không tròn như cách chúng ta ngồi trong bốn bức tường và nhìn nó qua màn hình máy tính.
Để hiểu được ý nghĩa trọn vẹn trong chữ “Đời”, bạn cần mở cửa lòng mình, đi thật chậm, quan sát thật sâu và để bản năng yêu thương che chở đồng loại trong mình lên ngôi một chút. Chỉ một chút ấy thôi, bạn sẽ nhận thấy rằng xung quanh ta có rất nhiều những mảnh đời kém may mắn và cần lắm một đôi bàn tay giúp đỡ.
Mở đầu cuốn sách là câu chuyện dở khóc dở cười về một người đàn ông miền tây lam lũ và thật thà. Nhờ có cuốc xe ôm tình cờ đó mà tác giả được nghe kể về một câu chuyện tình cảm động, lam lũ một trời yêu thương, cái yêu thương đó không phải đôi vợ chồng đầy đủ nào cũng có được.
Hồi trẻ cô đẹp lắm, con gái Cai Lậy mà, cô lên Sài Gòn ở mướn cho nhà chủ mà chú làm bảo vệ. Ba má cô đâu có chịu chú bởi họ chê thằng này mồ côi mồ cút, nghèo mà còn què quặt nữa. Họ sợ cô khổ khi về với chú. Nhưng cô hổng sợ, cô bỏ nhà theo chú. Ba má cô từ con gái. Ngày ba cô nhắm mắt, ông còn chưa tha cho cô mà. Chú phải đưa cô về, nửa đêm quỳ ngoài hàng rào lậy vọng vào. Rồi đi.
Hay những thân phận hẩm hiu tại “Khách sạn ngàn sao ở Củ Chi” bị xã hội chối bỏ, chịu đựng những ánh nhìn khinh miệt của mọi người xung quanh. Họ tụ hội tại đây trong “ba cái chòi lá”
Ba mươi bảy con người trong ba cái chòi lá này là ba mươi bảy mảnh đời khác nhau về tuổi tác, gốc gác, xuất thân, nghề nghiệp…, nhưng có cùng điểm đến, cùng nỗi hoang lạnh lúc cuối đời. Có những Hùng, Thôn, Oanh, Luyến cũng đáng trách lắm vì non dạ mà lạc đường. Và trên con đường lầm lạc ấy, tôi nghĩ ít nhất cũng một lần họ chuẩn bị cho ngày này. Nhưng cô Huệ, chị Nga thì sao? Họ không có lỗi, đó không phải lựa chọn của họ mà là đòn roi của số phận. Họ tuyệt đối tin vào những người đàn ông của đời mình nhưng không phải đàn ông nào cũng là người chồng chung thủy nên họ bị cướp mất tất cả, bị cướp mất tất cả tài sản quý giá nhất của một đời người: Tình yêu của người thân. Trách ai đây? Khi nhìn thấy cánh tay và đôi mắt sưng húp của Luyến? Gia đình khổ quá, em lên thành phố tìm việc rồi vào nhà hàng và không lâu sau từ nhà hàng em ra hè phố. Hôm kia giỗ mẹ, em lén về thắp nhang, bị anh chị đuổi đi bằng khúc tre dài. Còn Huy nữa, tôi nghe mùi tanh nồng vì lưng em đã lở loét rồi, em yếu lắm nhưng cái nắm tay có lẽ làm em vui nên đôi mắt em sáng hơn. Em sống êm đềm với mẹ từ bé, ngày mẹ bán mảnh vườn trả nợ, hai mẹ con dắt díu nhau lên Sài Gòn ăn bờ ở bụi. Ban ngày mẹ bán vé số, em đi phụ hồ, đêm về sạp chợ làm giường, tính toán dành dụm ít tiền trở về quê, nào ngờ oan nghiệt ập đến, em giẫm phải chiếc kim tiêm…
Còn cả chuyện của thằng nhỏ tên Hận – chỉ mới nghe thấy cái tên thôi, bạn sẽ nhận thấy một nỗi phẫn uất đầy đau đớn của người đã sinh thành ra hắn. Mang bầu nó bảy tám tháng, má nó phát hiện người đàn ông ngon ngọt với mình lâu nay đã có vợ con đề huề, sau một trận đánh ghen tơi bời tưởng chừng sẩy thai. Cô gái ê chề quá, muốn bỏ núm ruột của mình nhưng bà mẹ can ngăn. Thôi thì đẻ. Đẻ ra rồi đặt tên là Hận chơi. Một thằng Hận khờ khạo, lăn lộn kiếm cái ăn, sống lang bạt đầu đường xó chợ, thế vậy mà nó hiếu thảo, cố gắng chắt chiu từng đồng để chăm người má hận đời nghiện ngập, lúc nào cũng đánh mắng chửi rủa nó đến tội.
Dưới cái nhìn của người đời, nhà tù được xem như là một nơi uy nghiêm đại diện cho công lý và răn đe những kẻ mang tội. Vậy ở cái chốn đó – nơi những con người đang phải từng ngày lao động, suy ngẫm và trả giá cho lỗi lầm của mình, liệu có phải tất cả bọn họ đều đáng trách?
Một chàng trai mười chín tuổi một đêm mở cửa đón bạn mình, làm sao biết anh ta vừa chém người nên để bạn ở lại vài hôm, rồi cũng vào tù. Một cậu trai hăm sáu tuổi được tin vợ sinh đứa con đầu lòng, cuống cuồng chạy xe thế nào để đâm phải một cô học trò, nhà người ta khó quá, mà mình thì nghèo, không có tiền thi hành án, rồi… vào đây. Một chú giám đốc không trả nổi mấy khoản nợ lớn cũng… vào đây. Và nhiều nữa.
Cùng sinh ra là phận con người, thằng Hận, bác xe ôm, hay số phận của những người tù nhân bất đắc dĩ kia sao lại bi đát và khổ sở đến vậy. Nhiều khi ta mệt mỏi bởi những chuyện không như ý muốn, ta cứ nghĩ cái số ta nó đen đủi quá mà “ôi sao mà các số tôi nó khổ quá trời, chắc chẳng còn ai xui xẻo hơn tôi đâu”. Nhưng khi bạn đọc những câu chuyện trên, bạn sẽ nhận thấy rằng bản thân mình còn may mắn lắm đó.
Con người vốn dĩ hay tự bơm phồng những khó khăn hay đau khổ của chính mình mà quên mất rằng chỉ cần sống chậm lại một chút, cởi mở hơn một chút, nghĩ thoáng hơn một chút, niềm vui sẽ luôn bên ta mỗi ngày.
Liệu sự tử tế có đang tồn tại?
Ngày nào báo chí cũng đưa tin nhiều vụ việc đáng buồn, phản ánh lối ứng xử kém văn minh của một số bộ phận người dân. Như một thanh niên hành hung người phụ nữ lớn tuổi chỉ vì bị nhắc nhở cần phải xếp hàng khi rút tiền tại cây ATM hay việc anh em trong gia đình mâu thuẫn, chém giết lẫn nhau vì những những tranh chấp đất đai, tài sản. Không thiếu những tình trạng vô cảm của không ít người khi đứng chứng kiến những vụ hành hung, ức hiếp yếu thế xảy ra ngay trên phố. Đáng buồn hơn, họ thờ ơ thản nhiên quay video nhằm mong muốn có một bản tin sốt dẻo đăng lên những trang mạng xã hội để câu view. Như “chị đẹp, anh đẹp” xài toàn đồ hiệu nhưng có những lối hành xử thiếu văn hóa trong câu chuyện “Khó Tính Và Hàm Hồ”. Chuyện xảy ra trong một quán ăn nọ, chị đẹp đi cùng hai người con của mình vào một quán nước, chị kêu bưng cho chị ly nước cam, vừa kê mồm định uống chị kêu la làng với một thái độ bực tức “Trời ơi, tao đã dặn không đường rồi mà, mầy điếc hả con kiaaaa”. Kèm theo những câu chửi bới xúc phạm, chị ta còn có cái nhìn hằn học, khó chịu và coi thường cô bé phục vụ. Đó chỉ là một trường hợp trong vô vàn những tình huống xảy ra hàng ngày quanh cuộc sống của chúng ta mà thôi. Nếu là bạn trong tình huống đó bạn sẽ ứng xử như thế nào? Bạn im lặng lắng nghe câu chuyện và bí mật quay lại video đó rồi tung lên mạng? Hay bạn sẽ chạy ra can ngăn bênh vực cho cô bé phục vụ tội nghiệp kia?
Vì sao một giá trị tưởng chừng như rất tự nhiên, chỉ là đối xử tử tế giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày, bỗng chốc lại trở thành một nỗi hoài nghi trong xã hội hiện nay? Phải chăng, những giá trị tốt đẹp đó đã bị lu mờ bởi một lối sống vô cảm và ích kỷ. Chúng lấn át tất cả những niềm tin, lòng trắc ẩn của con người vào cuộc sống. Trong chuyện “Ngờ Vực Lên Ngôi” anh Hồng Hải kể lại việc cô bạn vào viện chăm mẹ trong bệnh viện Bình Dân thấy chàng trai kia đang đau đớn vì cánh tay hoại tử sung húp. Hỏi thăm, anh nức nở cho biết đi làm mướn, bị thanh sắt đâm, không có tiền đi bệnh viện… Bạn rút ra vài tờ tiền lớn, biểu ráng chữa cho dứt, đừng để hư cánh tay. Nhưng chỉ chiều đó thôi, bạn đã biết sự thật, rằng tất cả chỉ là diễn xuất và hóa trang. Hay như trong tình huống chính tác giả gặp phải, khi hai anh em đang đi tản bộ ở thềm Vương cung Thánh đường Đức Bà thì bị chị dị dạng kia níu tay. Quay lại thấy chị đang chìa ra xấp vé số khẩn cầu, nhỏ em đỏ hoe mua hết, không cần đếm, còn gửi thêm kha khá tiền. Anh em ngồi xuống quán ăn gần đó, lấy vé số ra xem mới biết tất cả đã được… xổ, từ hôm qua. Còn rất nhiều những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi.
Một đứa bé ngồi khóc ở góc đường, một cô gái thương cảm dừng lại cho bé quá giang về hẻm vắng, một cuộc trấn lột đã diễn ra ngọt ngào. Một chị nọ sốt sắng chỉ đường người lạ nhưng lại bị cả bọn xông lên vờ đánh ghen, cướp xe. Một anh trai dừng xe giữa đường khuya đỡ người té ngã, bất thình lình bị đồng bọn của nạn nhân từ đâu xông tới đánh đập, cướp xe. Một chú xe ôm bắt cướp bị trả thù…
Khi đọc tới đây, liệu bạn có còn muốn giúp đỡ bất kỳ ai nữa hay không? Chắc hẳn là chúng ta vẫn sẽ giúp đỡ, vì lương tâm chúng ta không cho phép, tuy nhiên giúp đỡ họ trong tâm lý dè chừng, hoài nghi giống như con chim trúng đạn sợ cành cong. Và cố nhiên, sự dè dặt này sẽ tước mất cơ hội được giúp đỡ của những con người khó khăn lương thiện khác.
Đánh thức và lan tỏa sự tử tế
Trong chuyện “Những người đàn ông coi mình như đất” ta sẽ thấy một tấm lòng chân thành, đôn hậu đến vô cùng vẫn luôn hiện hữu, dù cho họ có đang ở trong hoàn cảnh nào đi nữa. Anh xe ôm– đã ngoài năm mươi, là trụ cột kinh tế trong một gia đình khó khăn ở Sài Gòn. Anh chị có 2 người con đã mười mấy tuổi nhưng trí tuệ vẫn thua con nít, lơ đãng, ngớ ngẩn và đau ốm dặt dẹo suốt ngày do bị ảnh hưởng chất độc màu da cam ở chiến trường Tây Nam. Vợ anh ở nhà vừa chăm sóc cho hai đứa con và nhận thêu tranh chữ thập kiếm đôi ba đồng. Tuy hoàn cảnh của anh khó khăn là vậy, nhưng trong anh vẫn luôn có một tấm lòng nhân hậu, luôn muốn giúp người khác, cho dù việc đó là vô cùng nhỏ bé.
Chiều nay, chở tui ngang qua chợ Hòa Hưng, anh xin vài phút tấp vô mua trái cây cho con, vì sực thấy ổi xanh tràn xuống đường. Dừng trước người đàn bà gầy guộc với mấy khúc mía, mâm ổi, hai trái đu đủ và ba nải chuối già, anh khum xuống lựa ổi. Ngồi sau quan sát, thấy anh lựa mấy trái nám đen, xấu xí, tui mọc vài câu hỏi trong đầu. Đi một đoạn, tui thắc mắc, anh hề hề “Tội nghiệp bà già, mấy trái ổi này nhìn xấu nhưng về gọt vỏ cũng ngon như thường. Mình hổng mua, bả biết bán cho ai, nhiều khi để hư luôn, lỗ vốn”.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự tử tế vẫn luôn hiện hữu đâu đó quanh đây, giản dị mà chân thành biết mấy. Chúng ta sẽ thấy đời thật đẹp biết bao, chẳng còn cô đơn nếu xung quanh ta ngập tràn tình yêu thương và sự cảm thông giữa người với người như trong câu chuyện “Hai Người Bạn Mỹ” hay “Nuôi Giùm”. Gần đây, cả nước đang dồn hết tâm lực để phòng chống đại dịch Covid – 19, chúng ta thấy rõ thêm biết bao tấm lòng tử tế, trong số đó có rất nhiều bạn đang độ tuổi đôi mươi. Dù độ tuổi còn rất trẻ nhưng các bạn đã có những hành động thật đẹp và ý nghĩa biết chừng nào. Xưa các cụ có câu “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” khi gặp khó khăn, hoạn nạn có người dang tay ra giúp đỡ, điều đó mới đáng được trân trọng. Nhìn cách các bạn tổ chức quyên góp, nấu hàng ngàn suất ăn miễn phí chung tay chuyển suất cơm tới những người dân đang bị cách ly, mới thấy rằng sự tử tế và lòng trắc ẩn vẫn luôn bừng sáng trong cuộc sống bộn bề này.
Ái ngữ trong gia đình & cuộc sống
Nhà Phật gọi đó là Ái Ngữ, là những lời ngọt ngào và dễ thương chúng ta dành cho nhau. Khác với những lời chót-lưỡi-đầu-môi, ái-ngữ phải được khởi nguồn từ yêu thương. Trao ái ngữ là chúng ta đang trao hạnh phúc cho người khác, để lời nói của mình có thể khơi dậy những hạt giống của niềm tin và an vui nơi họ.
Đọc đến bài viết này của tác giả, ta nên tự vấn lại bản thân xem mình có hay thực hành nói những lời ái ngữ với mọi người, nhất là với những người thân yêu ở bên cạnh ta: cha mẹ, chồng vợ, con cái…hay chưa? Một câu “dạ”, hai câu “vâng” hay những câu nói đơn giản dùng trong giao tiếp hằng ngày như: chúc bố mẹ ngủ ngon, hỏi thăm những người thân yêu xem tối qua có ngủ ngon không? Có bao giờ bạn gọi điện hỏi thăm bố mẹ, bạn nói những lời yêu thương như: con nhớ bố/mẹ lắm hay con thương bố/mẹ nhiều chưa? Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ là: “lớn rồi, nói không quen nên ngại lắm” “Ui, thân thiết quá, khách sáo làm gì”. Tôi cho là tôi cũng giống với nhiều bạn có suy nghĩ đó. Ngụy biện cho sự trưởng thành hoặc cho là có nhiều cách để thể hiện tình yêu, tình thương không nhất thiết chỉ có mỗi lời nói. Những lý lẽ trên đúng, nhưng chưa đủ vì:
Càng thân thiết, người ta càng khao khát được nghe từ nhau những ái ngữ. Yêu thương trao đi, thì cũng mong muốn nhận về. Bạn có muốn nghe con mình mỗi ngày đều nói: con yêu ba/mẹ quá không? Chắc chắn là có có. Nếu cháu không chủ động nói, bạn sẽ hỏi. Vậy hà cớ gì bạn nghĩ cha mẹ không muốn nghe chúng từ mình? Bạn có con, hay thậm chí có cháu, trong mắt họ, bạn vẫn là một đứa trẻ. Họ vẫn khát khao được nghe bạn thổ lộ tình cảm nhưng không hỏi, vì sợ làm phiền, vì sợ bạn chê họ lẩm cẩm. Hãy nên nhớ rằng, cách con cái đối đãi với bạn về sau này hay cách chúng đối đãi với nhau là một bản photocopy màu cách bạn đang đối đãi với cha mẹ và anh chị em mình.
Xưa kia, các cổ nhân đã đúc kết ra câu ca dao “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe” khuyên người đời nên coi trọng trong từng lời ăn tiếng nói với nhau trong cuộc sống hằng ngày. Trong công việc: Với sếp, những lời lễ độ và có cảm xúc rõ ràng luôn là một cách ghi điểm hay, nhưng nên nhớ, hãy giữ sự chân thành và chừng mực, đi lố, sự nịnh hót không hay chút nào. Với cấp dưới, bạn hoàn toàn có thể ra lệnh nhưng thử rót thêm lời nhờ vả nhẹ nhàng, tui tin nhân viên sẽ dốc hết sức mình mà làm cho bạn. Trong xã hội: Khi người ta biết thực hành ái ngữ, những vụ chửi bới, ẩu đả bên đường, tui tin, sẽ bớt đi nhiều lắm. Khi đó, người với người, nhìn nhau toàn thấy lời ngọt ngào trìu mến.
Cho đi và nhận lại
Winston Churchill một nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh đã từng nói “Chúng ta tồn tại nhờ những gì ta nhận nhưng chúng ta sống nhờ những gì cho đi”. Nhiều người nghĩ cho đi là mất mát, nhận được điều gì đó mới là hạnh phúc nhất. Nhưng khi đọc cuốn sách Thương được cứ thương đi ta mới thấy rằng không những cho đi không mất đi, mà nó còn tồn tại mãi mãi.
Trong bệnh viện Ung Bướu nơi anh Hồng Hải làm từ thiện, tại đây anh có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện với một gia đình nghèo thuần nông ở Bến Tre. Họ đưa con gái là bé Chi lên trị bệnh, gia đình được anh Hải giúp đỡ. Sau một thời gian trị bệnh bé Chi không qua khỏi và đã mất cách đó không lâu. Tác giả có chia sẻ những dòng đầy cảm xúc như sau:
Tôi hay tin cháu ra đi nhẹ nhàng. Lòng cũng nhẹ. Vậy là bé Chi của cậu Hải đã thôi mắc đọa trần gian, đã về vui một miền khác. Tay tôi không đủ dài và vai cũng không đủ rộng để ấm ôm hết những khốn cùng nhưng luôn tự an ủi, thôi, cứ trọn vẹn với người, vui phần ấy, từng chút một.
Nhưng câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó, ba năm trước, gia đình nhà bé Chi có liên hệ lại với anh Hải định gửi lại anh số tiền đã giúp đỡ gia đình lúc hoạn nạn, nhưng anh nhất quyết không nhận và nhờ gia đình gửi biếu số tiền đó cho chòm xóm, người mà đang gặp khó khăn. Kết quả chiều hôm ấy, có bốn người lạ gọi điện cho tôi, cám ơn. Chồng chị cũng gọi, giọng chừng vui lắm, mời tôi có dịp xuống thăm nhà. Và rồi một chiều, cái gia đình nghèo ở Bến Tre nọ gọi điện cho hẹn anh Hải tới để chia sẻ chút khó khăn với các gia đình bệnh nhân tại bệnh viện Ung Bướu – nơi mà bé Chi đã từng điều trị tại đó. Khi đọc những lời chia sẻ thật thà, giản dị của mẹ bé Chi, trong tôi hiện lên hình ảnh của gia đình đó, họ đang cầm những phong bì nhỏ – những giọt mồ hôi chắt chiu từng đồng mong muốn san sẻ với những gia đình khó khăn khác. Trao tấm lòng chân thành của mình bằng cả hai tay, giống như cách mà anh Hải đã giúp đỡ gia đình bé Chi năm xưa.
Henry Drummond – nhà truyền giáo, tác giả và là giảng viên nổi tiếng người Scotland từng nói: Không có hạnh phúc trong việc sở hữu hay đón nhận, chỉ có hạnh phúc khi cho đi. Việc cho – nhận cũng giống như cặp phạm trù nhân – quả, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, gieo hạt giống tốt thì sẽ gặt hái được trái ngọt. Không cần phải chờ đợi đến khi ta giàu có mới có thể cho đi, cho đi không nhất thiết phải là những tài sản vật chất to lớn, mà đơn thuần chỉ là những điều nhỏ bé, thời gian của ta, những ánh mắt thiện cảm, một nụ cười thân thiện, sự cảm thông chân thành…thế là đủ. Trong câu chuyện “Tình người Sài Gòn” anh Hải có kể về cuộc gặp gỡ giữa anh và bác xe ôm, khi anh đang lên cơn thèm thuốc lá. Một câu chuyện thật giản dị đời thường, nhưng nó khiến tôi khá ấn tượng với cách bác xe ôm trao những điều nhỏ bé cho một người xa lạ với sự chân thành ấm áp đến vậy.
Rút ví ra, nhét vội tờ tiền vào tay chú: “Chú cho con gởi cái này, coi như con đi cuốc xe hoặc chú mua gói thuốc khác vậy đó”.
“Cất vô đi con, mày đưa là chú giận à. Nghèo thì nghèo bạc triệu chứ nghèo điếu thuốc đâu hả con?”
Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều do Duyên mà thành. Quen biết nhau, yêu ghét hay hận thù… cũng là cái duyên tạo khởi. Có duyên mới biết, mới quen, rồi yêu hay ghét bỏ. Cái duyên ban đầu là do trời định, nhưng để gắn bó lâu dài, muốn biến cái duyên thành tình yêu thương thì do bản thân ta quyết định, nhờ vào cái cho đi của mỗi người. Cho đi và nhận lại là hình thức luân phiên để trả nợ duyên. Bởi vậy, mọi thứ chúng ta làm cho nhau đều có sự vay trả. Đôi khi sự vay trả hữu hình và đôi khi cũng vô hình. Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp, thì bạn sẽ nhận được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn phải hiểu rằng khi cho đi đừng nên toan tính, bởi càng toan tính càng cảm thấy bản thân bị dồn nén. Người xưa có câu “Thi ân bất cầu báo”, nghĩa là đừng mong mỏi những gì bạn đã cho đi. Đừng mong người khác sẽ biết ơn và trả lại những gì họ đã nhận được từ bạn. Bởi suy nghĩ này gây nặng nề, khiến bạn hy vọng rồi lại thất vọng nếu điều mong mỏi không thành sự thật. Đó là hành động cho đi có toan tính và tương ứng là niềm hạnh phúc bạn nhận được không trọn vẹn. Hãy cứ vô tư cho đi bằng tấm lòng từ bi của mình, bằng sự vô tư không toan tính và không mong cầu đền đáp, thì chắc chắn sẽ nhận được nhiều hơn những gì mình đã bỏ ra. Khi ta làm cho người khác vui và hạnh phúc thì tự bản thân ta cũng được hạnh phúc. Hơn nữa, ta giúp đỡ người này, ắt sẽ có lúc có người khác giúp đỡ lại ta.
Thay lời kết
Khi cho đi không mong cầu báo đáp, ôm một tham vọng khơi gợi lại cái tình sẵn có trong mỗi con người mà đôi khi vì miếng cơm manh áo, vì thờ ơ, vì đề phòng, vì mãi đuổi theo những giá trị ảo, người ta đã quên mang ra xài, đó là tất cả những gì tác giả Hồng Hải muốn gửi gắm qua cuốn sách Thương Được Cứ Thương Đi. Những câu chuyện của anh không phải là những câu chuyện màu hồng đầy lãng mạn như trong các cuốn truyện ngôn tình. Trong cuốn sách của mình anh muốn vẽ nên một bức tranh thật chân thật, sống động về cuộc sống với đủ mọi gam màu, mong muốn lột tả hết những nét trân quý về những con người rất đời ở ngoài kia: như bác xe ôm, thằng bé bán báo… Giữa nhịp sống hối hả nơi phố thị, khi những cảnh bon chen nghi kị lẫn nhau đang ngày càng lấn át đi những bản chất tốt đẹp của sự tử tế, tình yêu thương thì ở một nơi nào đó vẫn có những hành động đẹp tới lạ thường, họ cho nhau từng điếu thuốc, mời nhau cốc nước hay bát phở, suất cơm… đọc mà ấm lòng đến lạ. Quả không sai khi có bạn độc giả nhận xét: Cuốn sách này giống như một liều thuốc bổ dành cho tâm hồn, mà tôi thiết nghĩ chắc chắn ai cũng cần đến.
Nguồn: copy